Phúc sĩ guitar shop đà nẵng thanh khê đà nẵng việt nam
Quote:
|
Bài viết có thể còn rất nhiều thiếu sót, đọc nhiều chỗ có thể buồn cười và chưa mang tính chuyên nghiệp, mong các bạn thông cảm vì mình không phải là một phóng viên chuyên nghiệp, mình gặp gỡ viết bài này chỉ muốn giới thiệu cho các bạn hiểu thêm về một hãng đàn của Đà Nẵng. Một địa chỉ uy tín đáng để các bạn ghé thăm. |
… Thế là Henry Lee đã sắp xếp được cuộc hẹn với giám đốc DNTN Phúc Sĩ. Sáng, Henry và thằng bạn đã lên xe buýt vượt mất hơn một giờ để tới Đà Nẵng. Tới ngã tư Hà Huy Tập- Điện Biên Phủ, rẻ ngã nào bây giờ ? Hai thằng phân vân. May là ngay lúc đó, anh Phúc- giám đốc DNTN Phúc Sĩ gọi hướng dẫn tận tình đường đi. Vậy cứ thế, hai thằng đi bộ trên con đường dài quanh co vào ngõ hẻm, cuối cùng cũng tới xưởng đàn Guitar Phúc Sĩ- Quận Thanh Khê- Đà Nẵng, địa điểm được giới chơi Guitar khuyên các bạn muốn mua đàn ghé thăm nhất.
Một góc xưởng đàn Phúc Sĩ
Có lẽ chính sự khó khăn trong việc tìm đường tới Phúc Sĩ với những đứa không sống ở Đà Nẵng như tôi đã thôi thúc tôi tò mò, hỏi lý do tại sao khi mới vừa đặt chân tới xưởng đàn Phúc Sĩ. Và có lẽ chính sự tò mò đó đã làm cho tôi bị cuốn hút bởi hãng đàn Phúc Sĩ sau khi nghe câu trả lời rất hay, thể hiện sự luôn quan tâm đến quyền lợi của khách hàng: “Thật ra anh rất muốn thuê ở ngoài để tiện hơn nhưng nếu dời ra thì phải chịu thêm phí thuê, một cây đàn vì thế sẽ bị đẩy giá lên cao bởi dễ gì mà một ngày bán được nhiều cây đàn. Giá cao đồng nghĩa với việc người chịu ảnh hưởng đầu tiên là người chơi đàn, đặc biệt là các bạn sinh viên và sau đó có thể điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến Phúc Sĩ về mặt cạnh tranh”
Anh Trần Chí Phúc đang chuẩn bị nghe điện thoại của khách hàng
Nghệ nhân làm đàn Guitar Trần Chí Phúc, giám đốc của hãng đàn Phúc Sĩ cho hay anh từ TP HCM chuyển về Đà Nẵng từ năm 2000, bắt đầu sự nghiệp từ đó và hãng đàn Phúc Sĩ chính thức ra đời sau đó 3 năm, 2003. Trước đó anh Phúc đã từng làm việc chung với một nghệ nhân giỏi khác là Lê Thiên Ân, hiện là chủ xưởng đàn Lê Thiên Ân nổi tiếng tại TP HCM như anh Playguita đã từng giới thiệu trên diễn đàn GuitarPro.Vn. Suốt buổi sáng, anh Phúc đã dành cho chúng tôi những lời khuyên, tư vấn và cho chúng tôi tìm hiểu về xưởng đàn, hãng đàn và cây đàn Guitar Phúc Sĩ…
Cây Guitar Phúc Sĩ sau nhiều năm được phát triển bởi anh Phúc và các người thợ tại Xưởng, đến nay đã trở nên nổi tiếng tại Đà Nẵng cũng như các khu vực lân cận bởi vì giá thành phải chăng và công nghệ làm đàn tiên tiến, đàn Phúc Sĩ rất đẹp, sắc sảo và có một một âm thanh đa âm sắc, tình cảm… Không phải tôi nói quá lên, càng không phải tôi muốn tân bốc sự thật và tôi cũng chẳng có lý do gì để làm thế. Nhưng thực sự ai đã cầm, xem vào cây đàn Phúc Sĩ tầm trung chất lượng với mức giá rất mềm giao động quanh 1 triệu rưỡi chắc chắn phải thốt lên: thật sự rất tuyệt vời so với nhiều cây đàn cùng mức giá ngoài thị trường. Đầu đàn được đục lỗ bo sát khoá đàn, gỗ được sơn khá đẹp mắt và sang trọng, các viền bao quanh thì không thể chê được. Đó lạ cây thường, các cây có chất lượng cao hơn nữa thì khỏi phải chê rồi, âm thanh còn vang đều, ấm cúng, tiếng chuẩn.
Đầu cần đàn thiết kế khá thanh nhã với khoá đàn bo sát, không để lộ khuyết điểm lớn.
Quote:
|
Henry Lee: Em nhận thấy một số cây Guitar Phúc Sĩ dù không có giá quá cao nhưng thiết kế vẫn rất đep đúng không ạ? Anh Phúc: Đúng rồi, cái đó là do công nghệ làm đàn của Phúc Sĩ. |
Tại xưởng Guitar Phúc Sĩ, chúng tôi đã được tìm hiểu nhiều loại gỗ, bên cạnh các loại gỗ quí của Việt Nam, nguyên liệu gỗ làm đàn còn được nhập khẩu từ Mĩ, Canada và một số nước khác. Các loại gỗ được sử dụng chủ yếu là Hồng Đào, Thông, Điệp, Cồng, Cẩm Lai, Ovalcon, Xitan. Trong đó có loại gỗ Xitan được anh Phúc cho biết là rất hiếm trên thị trường.
Gỗ Xitan, được sơn quá bóng bẩy, sáng sủa đến mức chiếc máy ảnh của tôi không thể chụp hết nhang sắc của nó. Nhìn nó rất đẹp. Cây đàn này giá 9 triệu.
Gỗ Ovalcon và thông. Hai miếng ghép lại để có âm thanh chuẩn.
Tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh, cây đàn Guitar Phúc Sĩ được làm ra bởi 10 người thợ và anh Phúc. Trong đó chia thành 2 nhóm là thợ chính và thợ phụ. Thợ chính sẽ đảm nhiệm các khâu quan trọng, khó khăn nhất, làm những hàng đặt khó, yêu cầu chất lượng cao còn các thợ phụ sẽ làm những việc đơn giản hơn tí và những mặt hàng không yêu cầu quá cao. Các loại đàn bán lẻ thì chỉ có mức giá từ 700 ngàn trở lên và được ghi thành nhiều model, có chất lượng còn những loại có giá rẻ hơn nữa thì chỉ bán lại cho các cửa hàng với số lượng lớn để thoả mãn thị trường đàn giá rẻ, cho những ai chưa có nhiều tiền vẫn có thể tậu được một cây chơi tạm.
Đàn các loại được đặt trên một giá. Rất đẹp, nếu tận mắc nhìn thấy bạn sẽ phải khen ngợi không ngớt
Sau những giây phút ban đầu tò mò tìm hiểu, anh dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng đàn, giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu về các loại máy móc, các khuôn, các loại gỗ. Nhìn những chiếc cần đàn, khung đàn làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau đang trong giai đoạn phôi thai, chúng tôi càng hiểu hơn về sự vất vả của nghệ nhân khi làm ra một cây đàn. Mỗi tháng, Phúc Sĩ Guitar cho ra lò được bình quân khoảng một trăm mấy cây đàn, cây đàn chất lượng cao thì mất hơn hai tháng mới xong, đàn thường thì khoảng trên dưới một tháng. Tôi cũng chẳng biết con số này là nhiều hay ít nhưng có lẽ phải có tâm huyết, sự kiên nhẫn và tinh tế lắm thì người nghệ nhân mới có thể hoàn thành xong một cây đàn chất lượng bởi anh Phúc cho biết khâu làm tốn thời gian nhất của cây đàn không phải là khoét đục,.. hay gì khác mà là khâu kiểm định. Để một cây đàn đạt chuẩn để cung cấp cho thị trường thì cần kiểm tra thật kĩ, nhiều lần. Có lẽ cũng chính vì thế nên các cây đàn đang được đặt tại kệ đàn của Phúc Sĩ có âm thanh ngang ngửa nhau cho từng mức giá khiến nhiều người mua như tôi phải rất phân vân mới chọn được một cây đàn ưng ý. Chả có cây nào hơn cây nào, điểm khác biệt tôi nhận thấy chính là cây thì thiên về chất rock, cây âm thanh ấm, cây để chơi nhạc nhẹ. Anh Phúc cũng bảo chúng tôi thế. Anh cũng cho hay về việc nhận biết gỗ, nếu không phải dân trong nghề thì rất khó nhận biết ra gỗ nào, vì thế khi mua đàn anh khuyên các bạn nên chọn những địa điểm uy tín và xem kĩ, hỏi kĩ để tránh mua nhầm. Và còn một điều nữa anh cũng lưu ý là các loại đàn của Phúc Sĩ thì cần mất thời gian để lên tiếng, âm thanh sau khi lên tiếng sẽ hay hơn nhiều so với ban đầu và càng chơi càng hay, đàn Phúc Sĩ chủ yếu mặt trước được làm bằng các loại thông tốt.
Máy uốn và cưa gỗ thì phải
Máy mài, đánh nhám.
Máy đánh nhám
Các khung cây đàn giá rẻ đang trong giai đoạn phôi thai.
Gian chứa nguyên vật liệu.
Quote:
|
Henry Lee: Thưa anh, anh có thể cho bọn em được biết các loại đàn cùng giá thì âm thanh có chênh lệch nhau nhiều không, có cây nào cực hay trong khi cây khác dở không ạ? Anh Phúc: Các loại đàn cùng giá thì miếng gỗ làm đàn cùng chất liệu và cùng tần số nên âm thanh không chênh nhau là mấy, sự khác biệt ở cách làm đàn mà với Phúc Sĩ thì chủ yếu ở âm sắc, có cây sẽ ấm, có cây đanh hơn tí, tuỳ mỗi người sẽ thấy cây nào hay hơn. |
Tìm hiểu thêm về dự định sắp tới của Phúc Sĩ, không hề dấu một chút gì, anh cho biết sắp đến anh sẽ từng bước mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng cây đàn, tuy nhiên anh cũng cho hay điều này sẽ khiến hãng đàn gặp khó khăn bởi muốn làm được tốt thì cần có nhân lực, trong khi để đào tạo một người thợ giỏi tốn khoảng 5 đến 7 năm. Đó cũng chính là lý do hãng đàn Phúc Sĩ lâu nay không quảng cáo rầm rộ bởi nếu nhận hàng mà làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín. “Cái anh cần là uy tín lâu dài chứ không phải bán được đàn một thời gian rồi hết”. Và dường như đó cũng là một qui tắc kinh doanh lúc này của Phúc Sĩ, phải thật tình với khác hàng. Anh Phúc cũng không quên dặn chúng tôi là khi về viết bài thì viết cái gì thật chứ đừng nói quá lên, không tốt.
Quote:
|
Minh: Hiện tại hay là sắp tới anh có định xuất khẩu đàn ra nước ngoài không ạ? Anh Phúc: Ah, không em, cái đó cần nhiều thời gian và nhân lực, anh chưa tính đến chuyện đó Henry Lee: Anh có định sẽ thay đổi công nghệ làm đàn không? Anh Phúc: Anh cũng chưa có ý định, việc thay đổi công nghệ sẽ phải thay đổi máy móc, chất liệu, cần rất nhiều vốn trong khi công nghệ hiện tại cũng không đến nỗi nào |
Trời đã gần trưa, chúng tôi hỏi anh về vấn đề đàn ngoại so với đàn của Việt Nam. Theo ý kiến anh Phúc, đàn Việt Nam không hề thua kém đàn ngoại. Với các loại đàn cao cấp, có những công nghệ làm đàn tiên tiến, sáng tạo thì tất nhiên sẽ hơn đàn trong nước nhưng giá của các loại này cực kì mắc. Nhưng với các loại đàn tầm từ 1 triệu đến vài triệu thì đàn Việt Nam chắc chắn sẽ hơn đàn ngoại.
Quote:
|
“Thật sự là khó nói và nếu nói ra có thể bị coi là đánh bóng thương hiệu nhưng với đàn rất cao cấp, rất mắc tiền thì anh không có ý kiến nhưng cây đàn 1 tr 6 mà em đang cầm trong tay đánh biểu diễn sẽ ăn đứt các loại đàn hai, ba triệu của Nhật. Nói cách khác là không riêng gì đàn Phúc Sĩ, mà rất nhiều thương hiệu đàn khác với tầm giá vừa vừa như vậy thì hơn xa đàn ngoại. Ở Việt Nam cũng có nhiều nghệ nhân khác cũng đóng đàn rất chuẩn và rất hay như anh Cương Luthier, anh Ân,…chẳng thua gì hàng ngoại” |
Tìm hiểu cũng khá nhiều thông tin, bổ sung thêm kiến thức về đàn, các loại gỗ, mỗi thằng chọn liền một cây. Thế là hai đứa vác hai cây đàn, một cây cổ điển 1tr6 và cây modern 2 tr 6 về nhà.
Đàn của Henry Lee sau khi mang về nhà…
Cảm ơn anh Phúc đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích, chúc anh năm mới sức khoẻ, thành công, vạn sự như ý, chúc Phúc Sĩ Guitar ngày càng phát triển hơn nữa. Cảm ơn tất cả các bạn đã bỏ thời gian đọc bài viết, tìm hiểu về một hãng đàn Guitar uy tín đến từ Đà Nẵng. Bài viết có thể còn rất nhiều thiếu sót, đọc nhiều chỗ có thể buồn cười và chưa mang tính chuyên nghiệp, mong các bạn thông cảm vì mình không phải là một phóng viên chuyên nghiệp, mình gặp gỡ viết bài này chỉ muốn giới thiệu cho các bạn hiểu thêm về một hãng đàn của Đà Nẵng. Một địa chỉ uy tín đáng để các bạn ghé thăm.