Hướng dẫn sử dụng Metronome
Như đã chia sẻ trong bài viết 10 bước để luyện tập guitar hiệu quả hơn, nếu bạn có mong muốn chơi nhạc tốt thật sự thì việc có cho mình một chiếc Metronome là một điều hoàn toàn là bắt buộc. Đây là một dụng cụ tuy nhỏ nhưng lại có tác động tới kết quả luyện tập của bạn rất nhiều. Metronome sẽ nói cho bạn xem bạn nằm trong nhóm nào – Chơi đàn nghiêm túc hay chỉ là theo phong trào.
Metronome là gì và tại sao nó quan trọng?
Để bàn về Metronome, trước đó chúng ta phải nói về Tempo
Tempo là gì ??
Tempo là một thuật ngữ để chỉ nhịp độ trong âm nhạc. Đơn vị của Tempo sẽ là BPM (Beats per minute) hay là số nhịp đập mỗi phút. Khi bạn đang chơi một bản nhạc – Dù là thể loại Classic, Jazz,Rock hay Pop; dù là chơi bằng Guitar,Piano hay thậm chí là bạn đang hát – thì bạn cũng phải dựa trên một nhịp độ chung xuyên suốt toàn bài. Giữ được nhịp độ đều đặn khi chơi nhạc là một trong những mấu chốt cơ bản và quan trọng nhất trong âm nhạc. Nhịp độ sẽ giúp kết nối toàn bộ các phần của bài hát thành một mạch chảy liên tục và mạch lạc; dù là chảy nhanh hay chậm thì người nghe không bị cụt hứng đột ngột khi nghe bạn biểu diễn. Nói một cách khác, đánh loạn nhịp, bài biểu diễn của bạn đáng bị vứt đi.
Metronome là gì?
Nói ngắn gọn, khi bạn bật máy Metronome, nó sẽ phát ra những tiếng đập đều đặn tương ứng với số Tempo và giúp bạn tùy biến tốc độ Tempo để bạn luyện tập.
Tại sao Metronome lại quan trọng?
Lý do thứ nhất, hầu hết chúng ta đều không có tài năng bẩm sinh với vấn đề nhịp điệu. Bạn có thể đập chân để giữ nhịp mà không cần Metronome. Nhưng bạn có biết bạn đang chơi với Tempo bao nhiêu không? Nếu tôi bảo bạn chơi bài hát với Tempo ở 70BPM thay vì 80BPM, liệu bạn có dậm chân chậm lại chính xác được không? Phải tập với Metronome thì bạn mới có thể biết được bạn đang chơi ở Tempo bao nhiêu. Và nếu bạn tập luyện đủ lâu, dần dần bạn sẽ tự phát triển được khả năng cảm nhận được Tempo cho mình.
Một lý do khác của việc tập với Metronome là nó sẽ giúp bạn có thể đo lường được tiến trình tập luyện của mình. Việc không sắm cho mình một chiếc Metronome là một trong những nguyên nhân khiến bạn lười tập luyện đàn. Hãy thử nghĩ đến cảm giác tập luyện đàn hàng giờ mà lại không thấy mình đánh đàn nhanh lên tí nào. Một ngày tập luyện thành công nhất cũng chỉ giúp bạn đánh nhanh hơn 2BPM là cùng, tức là mỗi giây, bạn đánh nhanh hơn 1/30 nốt. Làm sao bạn có thể cảm nhận được điều đó nếu như không có Metronome? Nó không giúp bạn đánh nhanh hơn. Nhưng ít ra nó sẽ giúp bạn biết bạn đang ở đâu trên con đường luyện tập.
Dù vậy, đánh nhanh không phải là mục tiêu duy nhất của việc luyện tập. Đánh chậm cũng rất khó. Chơi được ở nhịp độ 40BPM mà không bị lệch nhịp gần như là không thể nếu bạn không có quá trình luyện tập lâu năm. Vấn đề chính ở đây là khả năng làm chủ tốc độ đánh và mở rộng vùng tốc độ mà bạn có thể chơi được.
NĂM BƯỚC LUYỆN TẬP CÙNG METRONOME
Bước 1 : Tắt nó đi.
Vâng, bạn đừng có quá ngạc nhiên. Dĩ nhiên chúng ta đem nó về là để tập luyện; nhưng không phải là với toàn bộ thời gian. Với một bản nhạc mới, bạn phải làm quen với nó trước đã. Hãy tắt Metronome và đánh tự do để bạn quen thuộc với các nốt, các hợp âm, giai điệu, đủ để bạn có thể chơi được hết cả bài. Sau khi bạn đã ghi nhớ bản nhạc, giờ mới là lúc mở Metronome và luyện tập thật sự
Bước 2 : Bắt đầu với tốc độ vừa phải.
Giờ hãy bật Metronome lên và tập với một Tempo vừa phải. Tùy vào bản nhạc mà định nghĩa về tốc độ vừa phải sẽ khác nhau. Ví dụ một câu gồm toàn nốt móc đơn thì tốc độ vừa phải có thể là 80BPM, còn gồm các nốt đen thì tốc độ vừa phải có thể là 120BPM. Và dĩ nhiên tốc độ vừa phải đối với những người mới chơi sẽ phải khác với những người chơi lâu năm. Dù sao thì hãy chọn tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Bước 3 : Tăng dần tốc độ
Sau khi bạn đã quen với tốc độ vừa phải, hãy từ từ tăng tốc độ lên. Đừng có vội mà tăng quá nhiều mỗi lần, bạn sẽ không đánh theo nỗi đầu. Mỗi lần tập bạn chỉ cần tăng thêm từ 2-5 BPM. Hãy tập với tốc độ Tempo mới cho tới khi bạn có thể đánh bản nhạc nhuần nhuyển, sau đó mới tính đến chuyện tăng lên một tốc độ khác.
Bước 4 : Tìm những đoạn bạn gặp khó khăn.
Thông thường, trong một bản nhạc, các đoạn có độ khó không đều nhau. Một số chỗ có thể đánh rất dễ, còn một số chỗ thì không. Hãy xác định trong bài những đoạn khó và tập riêng với nó. Với những đoạn khó, hãy hạ tốc độ tempo thấp hơn mức tempo thông thường. Từ từ tăng dần tốc độ cho bằng tốc độ của bài và lặp lại bước 3.
Bước 5 : Tắt Metronome và tận hưởng thành quả.
Dĩ nhiên, đánh nhanh sẽ không giúp bạn đánh bài hát hay lên; tuy nhiên nó sẽ giúp bạn tăng khả năng làm chủ được đôi tay của mình. Chỉ khi vượt qua được vấn đề về kỹ thuật, bạn mới có thể có tâm trí để để tâm tới các vấn đề khác trong bản nhạc. Hãy tắt Metronome đi và hãy chơi theo cách mà bạn thấy thích nhất. Đã đến lúc tận hưởng thành quả rồi.
Tuy nhiên, xin nhắc lại một lần nữa, đánh nhanh không phải là mục tiêu duy nhất của việc luyện tập. Vấn đề chính ở đây là khả năng làm chủ tốc độ đánh và mở rộng vùng tốc độ mà bạn có thể chơi được. Hi vọng bài viết này giúp các bạn được phần nào.